Nghệ nhân ...

cmbinhlong

Chào mào tình bạn & tình yêu
BÀI SƯU TẦM NHÁ
Tại Hội chợ triển lãm làng nghề VN 2009 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tổ chức ở Huế, nhiều người không khỏi kinh ngạc trước một chiếc lồng chim bằng tre có tên “Thập nhị hoa giáp quần tiên” được chế tác hết sức công phu và thẩm mỹ.



Anh Đoàn Minh Căn với chiếc lồng chim “Thập nhị hoa giáp quần tiên” - Ảnh: Thái Lộc

Đó là sản phẩm của nghệ nhân Đoàn Minh Căn, 45 tuổi, ở làng Dương Nổ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vừa được trao giải nhất hội thi Hàng thủ công VN lần 6/2009.

Đệ nhất công phu

Trên cùng của chiếc lồng chim “Thập nhị hoa giáp quần tiên” là chiếc móc treo tạo dáng chim phượng mềm mại, đôi cánh có thể ve vẩy được. Kế đến là bộ “chao móc” bốn nhánh được chạm lộng chủ đề tiên cưỡi hổ và cưỡi rồng, giữa là quả bầu tròn chạm lộng xuyên hình người và cây lá, có thể xoay tròn được. Cầu chính (nơi chim đậu) có hình hai con rồng theo hai hướng khác nhau, cạnh đó là ba coóng đựng thức ăn hình quả đào tiên. Bộ đỡ ly và cầu được trang trí hình những tiên ông đang quần với 12 con giáp. Cầu phụ cũng được đỡ bởi ba tiên ông với ba thế trụ khác nhau. Những thanh vành chạy quanh lồng được chạm các đốt trúc nối nhau, đều đặn và mềm mại.

Phần quả là ba ô hộc gắn liền với ba ô hộc của chân lồng bên dưới, được chạm trổ hoa giáp quần tiên. Đặc biệt nhất là bức phù điêu “Thập nhị hoa giáp quần tiên” ở mặt đáy của lồng, chạm 12 con giáp quần với các tiên ông trên nền phong cảnh có núi non, nhà cửa và cỏ cây hoa lá, chi tiết đến từng sợi râu của các tiên ông! Nếu tinh ý người xem có thể nhận ra bức phù điêu được chia thành bốn mảng, mỗi mảng là một bộ “tam hạp” (ba con vật hợp nhau: thân - tý - thìn, hợi - mão - mùi...) và 12 con giáp còn được xếp đặt theo “tứ khắc” (những con vật xung khắc: dần - thân - tỵ - hợi chẳng hạn), không bao giờ đặt cạnh nhau...

Ông An Văn Khanh, trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết: “Chín thành viên của hội đồng giám khảo gồm những chuyên gia đầu ngành và nghệ nhân nổi tiếng trong - ngoài nước đã đồng thuận rất cao để trao giải nhất cho chiếc lồng chim này”.

Chinh phục tre
Làng Dương Nổ soi bóng bên sông Phổ Lợi là một làng nông nghiệp có các nghề truyền thống: thợ nề, thợ mộc, chạm khắc gỗ và khảm xà cừ, chế tác nhà rường... Từ mười năm nay, nhờ công sức và sáng tạo của anh Đoàn Minh Căn mà làng có thêm nghề chạm khắc tre.

Trong xưởng của anh Đoàn Minh Căn ở làng có hơn mười người thợ thực hiện các công đoạn từ chọn tre, chẻ phơi, xử lý, sấy, uốn và chạm khắc... Vợ anh, chị Trần Thị Như Hà, và hai con trai Đoàn Ngọc Hùng (19 tuổi), Đoàn Xuân Tân (17 tuổi), cũng chạm khắc được những mảng không quá tỉ mỉ. “Cái sướng của nghề chạm khắc tre là ít “đụng hàng” nên không bao giờ hết việc” - anh Căn cho biết. Nhưng anh không chỉ dừng lại ở đó mà muốn được vay vốn để mở rộng sản xuất, đưa hàng tre độc đáo của Huế đi khắp các thị trường trong nước và quốc tế.

Đây không phải là lần đầu anh Đoàn Minh Căn đoạt giải. Năm 2006, anh đã đoạt huy chương vàng hội thi làm hàng lưu niệm Huế. Năm 2007, tại Hội thi sản phẩm thủ công VN lần 4 anh đoạt giải ba, rồi giải bạc Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm phục vụ du lịch - Huế 2008. “Cứ hễ đi thi là tui có giải!” - anh cười, không giấu được vẻ tự hào.

Năm 1982 sau khi tốt nghiệp cấp III, anh Căn theo học nghề tại xưởng điêu khắc sản xuất của nghệ nhân được phong “Bàn tay vàng” Lê Đăng Duân. Sau đó anh làm cho một xí nghiệp mộc mỹ nghệ. Năm 1985 xí nghiệp giải thể, anh Căn về làng Dương Nổ mở xưởng làm hàng mộc dân dụng. Hai năm sau, anh đến học nghề tại xưởng chạm khắc của nghệ nhân Phan Thế Huề, một thợ cả nổi tiếng từng chạm khắc các công trình trong hoàng cung triều Nguyễn. Đến năm 1989, về lại xưởng nhà, anh vừa tổ chức sản xuất vừa nhận người để đào tạo nghề.

Anh cho biết vì sao lại đến với nghề chạm khắc tre từ 12 năm trước: “Gỗ rừng không được khai thác, trong khi thợ thì ngày càng nhiều nên phải tìm một hướng đi riêng chớ. Sao không tìm một chất liệu mới nào đó để làm? Nhìn quanh nhà, đâu cũng thấy tre, thế là từ đó tôi chọn tre làm chất liệu chính cho nghề chạm khắc của mình”.

Song tre khác gỗ rất nhiều, gỗ có thể chạm, đục được cả chiều ngang lẫn dọc trong khi tre chỉ có thể chạm chiều dọc theo sớ, lệch hay mạnh tay một chút là nứt toác. Anh Căn phải tự tay làm bộ đồ nghề với hàng trăm thứ đục, kẹp, khoan, cưa chuyên dụng để chạm khắc tre. Dần dà, anh phát hiện được nhiều “cá tính” khác của tre, từ đó “đi” được những nét khắc mềm mại và li ti nhất trên thứ chất liệu khó tính này.

Ban đầu anh làm những mặt hàng mỹ nghệ nhỏ xinh như gạt tàn, tiểu cảnh, hộp, bình đựng trà, đĩa trang trí và một số loại tranh chạm khắc khổ nhỏ. Thật may mắn khi xưởng của anh nằm ngay trên tuyến đường khách nước ngoài thường đi du lịch khám phá làng quê xứ Huế. Nhiều đoàn khách hiếu kỳ ghé vào xem. Sẵn có lưng vốn sinh ngữ, Đoàn Minh Căn có thể giới thiệu sơ về nghề. Thế là bán được hàng lại với giá cao. Biết được du khách thích sản phẩm thủ công tinh xảo, tỉ mỉ và khéo léo, anh tra cứu thêm sách vở để hoàn thiện mẫu mã sản phẩm và đầu tư sâu theo hướng đó.

Tuyệt chiêu lồng chim
“Một lần tôi nhìn thấy cái lồng chim treo tại vị trí rất đẹp của một ngôi nhà sang trọng, chim thì rất quý nhưng lồng tre lại trơn tru. Tôi nghĩ sao không thể có một chiếc lồng tuyệt đẹp ở những ngôi nhà như thế, và về nhà lao ngay vào làm thử. Sản phẩm làm ra được nhiều khách hàng chơi chim từ Huế về làng mua. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở rất xa cũng lặn lội đến đặt hàng” - anh Căn kể.



Mặt đáy lồng chim với bức phù điêu chạm khắc tỉ mỉ, công phu - Ảnh: Thái Lộc

Cho đến giờ anh không nhớ rõ đã làm bao nhiêu chiếc lồng chim, chỉ biết những sản phẩm của mình có ở khắp nơi: sau Huế là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP.HCM... và sang cả Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia, Hàn Quốc... Hiện nay trong danh mục lồng chim của anh có những cái tên rất kêu như “Thập bát la hán”, “Bát tiên quần thú”, “Thập nhị hoa giáp quần tiên”... mỗi chiếc có giá từ vài triệu đến 25-30 triệu đồng tùy mức độ tinh xảo theo yêu cầu của khách.
Lựa chọn cho mình lối đi riêng, dám chấp nhận thách thức và khẳng định được tài nghệ qua từng sản phẩm tinh xảo được làm từ cây tre. Với suy nghĩ đó cùng với đôi bàn tay tài hoa, ngôi nhà của nghệ nhân Đoàn Minh Căn – “vua lồng chim” ở làng Dương Nổ Đông, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một điểm dừng chân của khách du lịch trong nước và quốc tế khi tới Cố đô Huế.

Sinh ra và lớn lên tại ngôi làng có truyền thống lâu đời làm nghề nề, mộc, chạm khắc, sơn son thiếp vàng, làm nhà rường… ngay từ khi còn là cậu bé 15 tuổi, Đoàn Minh Căn (sinh năm 1966) đã bén duyên với nghề từ rất sớm. Sau khi học hết phổ thông (năm 1982) anh bắt đầu học nghề điêu khắc với nghệ nhân Lê Đăng Duân người được biết đến với danh hiệu “bàn tay vàng”. Tiếp đó anh còn dành hai năm làm học trò nghệ nhân Phan Thế Huề - một người nổi tiếng trong làng điêu khắc của cung đình triều Nguyễn. Năm 1989, với những vốn liếng đã có của nghề mộc, chạm, điêu khắc anh về quê mở một xưởng nhỏ tại nhà làm đồ dân dụng như ghế, bàn, giường, tủ… để phục vụ bà con lối xóm.



Nghệ nhân Đoàn Minh Căn đang hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng.​

Khổ một nỗi “gỗ quý thì ngày càng hiếm và “đụng hàng” nên tôi đã nảy ra ý tưởng chọn nguyên liệu bằng tre để làm thử. Ở làng tôi đi ra thấy tre, đi vào cũng là tre, nhìn quanh toàn là tre. Nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm và rẻ vậy sao mình không tận dụng trong khi ở tre có sự tinh tế mà ở các nguyên liệu khác không thể có được”, anh Căn cho biết. Với ý tưởng này, thương hiệu “lồng chim tre” của anh trở nên nổi tiếng mà có lẽ không một “đại gia” sành chơi chim nào là không biết tới.

Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào làm anh cũng gặp không ít khó khăn vì tre không giống gỗ. Tre không có ruột nên khi chạm, đục phải theo thớ của tre, chỉ mạnh tay một chút có thể hỏng ngay bởi tre dễ nứt toác. Chính sự “khó tính” của tre đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, khéo léo và tỉ mỉ hơn. Cũng vì thế anh Căn đã tự mình “chế” ra bộ đồ nghề đục, khoan, kẹp, cưa chuyên dùng để chạm, trổ, điêu khắc tre không giống ai.

Ban đầu anh Căn làm những vật dụng nhỏ và đơn giản như: ly chén, bình đựng trà, đĩa, hộp... Sau đó, khi chưa thấy ai làm lồng chim bằng tre anh đã bắt tay vào làm. Mỗi chiếc lồng chim, anh làm trong khoảng thời gian 1-2 tháng tùy vào độ tinh xảo và yêu cầu của khách hàng. Đến nay, hơn 1000 chiếc lồng chim với những hoa văn chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ được anh Căn chế tác đã có chủ; có chiếc trị giá 2 triệu đồng nhưng cũng có chiếc lên tới 30 triệu đồng. Nhiều khách hàng có thú chơi chim tại các tỉnh trên cả nước đã biết tiếng và tìm đến mua sản phẩm của anh. Thương hiệu “lồng chim tre” của anh không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều khách hàng nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… biết và tìm đến đặt hàng.

Năm 2006, lần đầu tiên anh tham gia dự Hội thi hàng lưu niệm Huế và đạt huy chương bạc với sản phẩm “Bách điều triều vương”; năm 2007 với sản phẩm “Hũ trà và song bình” đạt giải 3; sản phẩm thẻ bài treo tường “Thập nhị bình” đạt giải khuyến khích thủ công Việt Nam năm 2008. Đặc biệt, tại Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2009, sản phẩm “Thập nhị hoa giáp quần tiên” của anh đã đạt giải nhất; ngoài ra nghệ nhân Đoàn Minh Căn còn giành được rất nhiều giải thưởng, danh hiệu khác.

Cơ sở tre mỹ nghệ của anh cũng ngày càng thu hút nhiều học trò gần xa nghe tiếng đến theo học. Hơn 100 người đã được đào tạo, có công ăn việc làm; nhiều người trở thành thợ giỏi, thợ lành nghề có kỹ năng chạm, trổ, điêu khắc cao đã đứng ra mở xưởng riêng. Khoảng 10 năm nay làng Dương Nổ Đông lại rộn ràng tiếng đục, tiếng đẽo nhờ vào sự tài hoa và đầy tâm huyết của nghệ nhân Đoàn Minh Căn.
 

Tâm Nano

Đại Sứ Chào Mào
Phấn đấu kiếm cái lồng của nghệ nhân Căn, đó là mục tiêu của mình. Cám ơn cmbinhlong đã sưu tầm.
Thân chào, tinatino.
 

black_fish9402

Chim Râu Đỏ
Bài này mình đọc khá lâu rồi , con phượng nghệ nhân này làm rất đẹp & có hồn mình rất thích :cool: .
 
Top